Tin Công Nghệ
Thương vụ thâu tóm ARM của NVIDIA thất bại
Kế hoạch mua lại ARM từ SoftBank của NVIDIA cuối cùng thất bại hoàn toàn. Gã khổng lồ bán dẫn NVIDIA đưa ra tuyên bố chung cho biết thoả thuận thâu tóm ARM của họ đã bị huỷ bỏ do “gặp thách thức đáng kể về pháp lý”. Vậy hãy cùng Kho Server tìm hiểu Lý do tại sao thương vụ thâu tóm ARM của NVIDIA thất bại?
Phải chăng thương vụ thâu tóm ARM của NVIDIA đã gặp “dớp” ngay từ đầu?
Trở lại vào tháng 9/2020, thông tin về thỏa thuận mua lại ARM của NVIDIA tạo ra tiếng vang rất lớn, cả hai đều khẳng định rằng sẽ tạo nên “công ty điện toán hàng đầu thế giới trong kỷ nguyên AI”.
Và sau đó, hàng loạt lời chỉ trích ngay lập tức xuất hiện. Herman Hauser – doanh nhân có công trong việc phát triển bộ vi xử lý ARM đầu tiên, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ thỏa thuận này của NVIDIA. Các nhà lập pháp Anh bao gồm Bộ trưởng kinh doanh của đảng đối lập, Ed Miliband và các gã khổng lồ công nghệ khác như: Qualcomm, Google và Microsoft đều chung một quan điểm.
Phe phản đối đã lập luận rằng thỏa thuận mua lại ARM có thể sẽ gây nên tác động tiêu cực đến chủ quyền công nghệ. Tuy nhiên, vấn đề chính của thương vụ này xoay quanh quyền tiếp cận đối với các thiết kế chip tiên tiến của hãng ARM.
ARM đang cấp phép “kiến trúc” của công ty cho hàng trăm đối tác trên toàn thế giới. Apple sử dụng kiến trúc đó trong iPhone và iPad của họ, Amazon sử dụng trong Kindle cùng các hãng sản xuất xe hơi sử dụng các thiết kế chip này cho các phương tiện giao thông.
Trong trường hợp NVIDIA ngừng cấp phép cho các công ty khác sử dụng thiết kế chip của hãng ARM trong sản phẩm bán dẫn của họ, gây ra tác động rất lớn.
Trước khi các nhà lập pháp của Mỹ, Anh, Trung Quốc cùng châu u tiến hành điều tra thoả thuận này, các nhà đầu tư, phân tích hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ đã đồn đoán rằng thương vụ thâu tóm ARM sẽ không bao giờ được chấp thuận.
NVIDIA và ARM đều cố gắng thuyết phục các nhà lập pháp, và nói rằng họ sẽ đầu tư mạnh tay cho ARM cũng như cho phép các hãng khác tiếp tục sử dụng thiết kế vi xử lý của công ty. Tuy nhiên, mọi nỗ lực trong thương vụ này đều trở thành công cốc.
>> Truy cập ngay NVIDIA chính thức hủy bỏ thương vụ thâu tóm Arm
“Viên ngọc quý” ngành bán dẫn xứ sương mù
ARM – công ty có trụ sở tại Cambridge, Anh, được SoftBank mua lại với giá là 32 tỷ Bảng vào năm 2016.
Trước đó, ARM được tách ra từ công ty điện toán ban đầu có tên là Acorn Computers vào năm 1990. Kiến trúc vi xử lý tiết kiệm điện của công ty đang được sử dụng trong 95% điện thoại thông minh toàn thế giới, 95% chip đang được thiết kế tại nước Trung Quốc. Hiện nay, ARM có hơn 6.000 nhân viên trên toàn cầu, 3.000 nhân viên tại Anh và được xem là “viên ngọc quý” của ngành công nghệ xứ sương mù.
Geoff Blaber- CEO hãng phân tích CCS Insight cho rằng thoả thuận ngay từ đầu đã gặp áp lực rất lớn và chịu sự giám sát chặt chẽ.
“Không bất ngờ khi thương vụ này kết thúc thất bại. Tìm cách xoa dịu các nhà lập pháp trong khi duy trì giá trị và biện minh cho mức giá hơn 40 tỷ USD là một thách thức quá lớn”, lãnh đạo CCS Insight đã khẳng định.
“Chúng tôi đã nhận định vụ mua bán này sẽ gặp phải khó khăn lớn ngay từ năm 2020, chủ yếu là từ các đối tác đang được cấp phép từ ARM, những nhà sản xuất lên tới 22 tỷ vi xử lý mỗi năm”, Blaber chia sẻ về vấn đề này.
Như đã dự đoán từ trước, sự phản đối mạnh mẽ cho thấy tầm quan trọng chiến lược về công nghệ từ ARM, và đây sẽ là yếu tố để ARM duy trì được trạng thái độc lập.
Trong khi đó, SoftBank đang có kế hoạch đưa ARM lên sàn chứng khoán vào năm 2023 tới. Dù vậy vẫn chưa biết công ty này sẽ niêm yết tại Anh hay tại Mỹ – nơi các công ty công nghệ có xu hướng được định giá cao hơn.
“IPO là một lựa chọn tốt hơn nhiều cho hệ sinh thái ARM nhưng lại khó có thể mang lại cho SoftBank khoản lợi nhuận tương đương”, Blaber cho biết.
Russ Shaw – người sáng lập nhóm vận động hành lang Tech London Advocates nhấn mạnh về sự cần thiết của việc ARM tiến hành IPO tại nước Anh.
Ông nói rằng: “Bây giờ thỏa thuận đã chính thức khép lại và Vương quốc Anh cần tập trung duy trì quyền sở hữu đối với một trong những tài sản công nghệ đáng giá nhất của mình”.
Tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu khiến rất nhiều quốc gia nghĩ tới việc đầu tư nhiều hơn cho việc thiết kế cùng sản xuất bán dẫn. Liên minh châu u đã công bố kế hoạch trị giá hàng tỷ USD với mục đích thúc đẩy sản xuất vi xử lý trong toàn khối.
Shaw khẳng định rằng: “Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vi xử lý toàn cầu chưa có dấu hiệu suy giảm, đang ảnh hưởng tới tất cả các ngành công nghiệp và đời sống hàng ngày, các công ty như ARM có vai trò quan trọng trong việc duy trì vị thế công nghệ và kinh tế của Vương quốc Anh. Chúng tôi chỉ đơn giản là phải bảo vệ chủ quyền kỹ thuật số của mình, thông qua việc duy trì sở hữu đối với ARM, viên ngọc trong ngành công nghiệp bán dẫn”.
Có thể bạn quan tâm